Đối với trẻ sơ sinh thì phân có máu là bất thường lại là vấn đề nguy hiểm. Mẹ cần biết lý do trẻ sơ sinh bị đi ngoài ra máu và cách khắc phục kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Chảy máu trực tràng có thể gặp phải ở nhiều độ tuổi, trẻ sơ sinh cũng không phải là đối tượng bị loại trừ.
Bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Trung Hiếu, Bv Đại học Y dược cảnh báo: Đi ngoài ra máu ở trẻ sơ sinh cần phát hiện sớm và xử lý đúng đắn, bởi đa phần các trường hợp đều có thể gây nguy hại đến tính mạng. Không phải lúc nào cũng có thể biết được nguyên nhân hoặc phân loại được chảy máu trực tràng mà chỉ dựa vào sự xuất hiện riêng lẻ triệu chứng máu trong phân mà để chẩn đoán cần phải theo dõi các bất thường kèm theo.
Dưới đây là một số căn nguyên thường gặp gây đi ngoài ra máu ở trẻ sơ sinh được xác định và cách nhận biết:
Nguyên nhân trẻ sơ sinh đi ngoài ra máu
1. Trẻ sơ sinh đi ngoài ra máu là do viêm ruột hoại tử
Viêm ruột hoại tử sơ sinh là bệnh lý đường tiêu hóa nặng, thường gặp ở trẻ sinh non tháng, bệnh thường khởi phát trong vòng 3-10 ngày sau sinh. Theo thống kê: Tỷ lệ mắc bệnh càng tăng nếu trẻ càng non tháng. Nguyên nhân chưa rõ, nhưng có nhiều yếu tố có liên quan đến sinh bệnh học, nhiễm trùng, dinh dưỡng qua đường tiêu hóa và tổn thương mạch máu tại chỗ.

+ Triệu chứng: Bị viêm ruột hoại tử thường sẽ thấy bé li bì, thân nhiệt không ổn định, tưới máu da kém, có những cơn ngừng thở,… Ngoài ra, bệnh cũng biểu hiện rõ rệt bằng những bất thường tại đường tiêu hóa như: Không dung nạp sữa, chướng bụng, ọc sữa hoặc dịch xanh, sờ thấy khối ở bụng, thành bụng nề đỏ, đi ngoài ra máu đại thể hoặc vi thể.
2. Nguyên nhân gây đi ngoài ra máu ở trẻ sơ sinh là do lồng ruột
Bệnh lồng ruột là hiện tượng khúc ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng khúc ruột phía dưới (hay ngược lại), làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 3 – 9 tháng tuổi, nhiều nhất là từ 5-6 tháng tuổi, trẻ trai bụ bẫm có nguy cơ gặp phải cao hơn. Chưa xác định được “thủ phạm”, các giả thiết cho rằng đây là thời kỳ bé chuyển từ bú sữa sang ăn dặm nên ruột dễ co bóp bất thường và do kích thước của các đoạn ruột ở trẻ em quá chênh lệch nhau nên dễ xảy ra lồng ruột.

+ Triệu chứng: Khởi phát với 3 triệu chứng: Khóc thét, nôn ói nhiều dịch màu xanh, vàng và đi tiêu phân nhày máu. Ngoài ra, trẻ bỏ bú, quấy khóc, da tím tái, bụng chướng, những cơn đau bụng kéo dài từ 15-20 phút,….
➝ Cũng có nhiều nguyên nhân trẻ đi ngoài ra máu nhầy và cách xử lý ra sao thì các mẹ cũng nên biết.
3. Thiếu vitamin K gây đi tiêu ra máu ở trẻ sơ sinh
Có vai trò quan trọng – vitamin K cần cho sự tạo thành prothrombin trong đảm nhận nhiệm vụ thiết yếu trong sự đông máu và cũng điều hoà sự tổng hợp các yếu tố đông máu khác. Với trẻ sơ sinh, vitamin K giúp dự phòng và điều trị xuất huyết, ngăn ngừa chứng thiếu máu và chứng xuất huyết. Thiếu vitamin K thường xuất hiện trong thời kỳ trẻ mới sinh vào các ngày thứ 3 – 5, do vi khuẩn đường ruột của trẻ chưa tổng hợp đủ vitamin K, hoặc trẻ bị tắc đường mật, rối loạn tiêu hóa,…

+ Triệu chứng: Ngoài chảy máu ở da, niêm mạc, mũi, miệng,… thì chảy máu đường tiêu hóa gây đi tiêu ra máu cũng là biểu hiện thiếu vitamin K phổ biến. Bên cạnh đó, sẽ thấy trẻ bỏ bú, quấy khóc, khóc thét, nôn trớ, da xanh xao, co giật, li bì.
Thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh có thể gây di chứng trầm trọng cho trẻ, kéo dài gây tàn tật suốt thường gặp theo thứ tự là liệt tứ chi, liệt nửa người, liệt 2 chân và thậm chí là tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Làm gì khi trẻ sơ sinh đi tiêu ra máu?
Trong từng trường hợp cụ thể, thông qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, tùy từng nguyên nhân gây đi ngoài ra máu ở trẻ sơ sinh là do đâu sẽ có cách xử lý khác nhau. Ví như:
- Do viêm ruột hoại tử có thể điều trị nội khoa bằng kháng sinh, dinh dưỡng tĩnh mạch hoặc cần thiết cần điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật.
- Do lồng ruột, thì cần tháo lồng bằng hơi ở giai đoạn sớm; đối với các trường hợp đến muộn (sau 48 giờ kể từ khi khởi bệnh), các bé có dấu hiệu nặng (có sốc) hoặc đã có biến chứng như thủng ruột bắt buộc phải mổ và có khi phải cắt bỏ khối ruột bị lồng vào nhau.
- Do thiếu vitamin K cần cấp cứu kịp thời, bổ sung vitamin K và xử lý các dấu hiệu kèm theo.

Nguyên nhân gây đi ngoài ra máu ở trẻ sơ sinh do nguyên nhân nào cũng rất nguy hiểm. Do đó, gặp phải dấu hiệu này các mẹ cần theo dõi chặt chẽ, không được lơ là. Đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa kịp thời để có hướng điều trị đúng đắn, đề phòng các biến chứng có thể xảy ra và bảo toàn tính mạng của trẻ. Tuyệt đối không được tự ý xử trí tại nhà bằng thuốc, các mẹo dân gian.
➝ Táo bón cũng là tình trạng thường gặp ở độ tuổi sơ sinh. Vì vậy các mẹ đừng bỏ qua: 10 cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh an toàn và hiệu quả – hãy “bỏ túi” phòng khi dùng đến nhé!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!