Thuốc nhuận tràng có thể giúp việc đi tiêu của bé dễ dàng hơn nhanh chóng, tuy nhiên đây không phải là cách tốt. Một chế độ ăn uống phù hợp sẽ hữu hiệu hơn trong việc cải thiện triệu chứng táo bón ở trẻ. Nhưng nên cho trẻ ăn gì khi bị táo bón? – Nhiều bà mẹ hẳn rất băn khoăn về vấn đề này, đặc biệt với những người lần đầu tiên chăm con.
Táo bón là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em với đặc điểm là giảm số lần đại tiện bình thường, kèm theo đi tiêu khó và đau do phân rắn, nhỏ như phân dê hoặc đôi khi quá to. Ngoài ra, khi số lần đi tiêu của trẻ sơ sinh dưới 2 lần/ngày, của trẻ bú mẹ dưới 3 lần/tuần hoặc trên 2 ngày/lần, trẻ lớn dưới 3 ngày/lần cũng được coi là bị táo bón.
➜ Bạn có thể xem thêm: Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị táo bón

Ngoại trừ nguyên nhân gây táo bón ở trẻ là do tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa (rất hiếm gặp, chỉ chiếm 5%) là các dị tật bẩm sinh: phình to đại tràng, bệnh suy giáp trạng thường biểu hiện rất sớm sau sinh cần can thiệp y tế thì đa số trẻ bị táo bón cơ năng và có thể tự khắc phục được. Đó là việc mẹ mắc sai lầm trong việc xây dựng chế độ ăn uống cho trẻ với lượng chất đạm quá nhiều nhưng ít chất xơ, uống ít nước; hay mẹ pha sữa quá đặc, cho trẻ bú sữa bò; ăn chưa đủ số lượng hàng ngày,… Ngoài ra, nhiều trẻ có thói quen nhịn đại tiện do sợ bẩn, con bú sữa mẹ trong khi mẹ bị táo bón cũng có khả năng gây táo ở trẻ.
Bé bị táo bón cơ năng bất kể vì lý gì thì việc áp dụng một chế độ ăn hợp lý cộng với thói quen vệ sinh tốt vẫn là đúng đắn và vô cùng cần thiết.
Trẻ bị táo bón nên ăn gì?
Một số mẹo chữa táo bón cho trẻ có thể giúp bé đại tiện thông suốt một cách nhanh chóng; tuy nhiên không nên quá lạm dụng. Xác định căn nguyên và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hàng ngày vô cùng quan trọng để vừa trị táo bón cho trẻ lại phòng ngừa chứng táo bón tiếp tục “hành hạ” trẻ.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Bùi Bích Vy: Nếu trẻ bú mẹ bị táo bón thì hãy xem lại việc ăn uống của mẹ và khắc phục trước tiên. Nếu do trẻ, thì tùy từng độ tuổi mà mẹ áp dụng cho trẻ chế độ ăn phù hợp. Tuy nhiên, nguyên tắc chung để giúp hệ tiêu hóa “vận hành” trơn tru hơn, thông tiện dễ dàng đó là: Bổ sung thêm chất xơ và nước vào thực đơn hàng ngày; các loại thịt đỏ (trâu, bò, cừu) chỉ nên ăn lượng vừa đủ vì thừa protein cũng gây táo bón; hạn chế các loại thực phẩm gât táo bón như hoa quả có vị chát gồm ổi, táo, hồng xiêm…; thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa cafein như socôla, cà phê, nước chè, nước ngọt có ga,… ; hạn chế thức ăn nhân tạo, cho bé ăn đa dạng thức ăn mẹ tự chế biến,…
➜ Nếu mẹ không biết nấu món gì để đường ruột hoạt động có hiệu quả hơn, hãy tham khảo: Công thức chế biến 5 món ăn dễ làm trị táo bón cho trẻ ngay nhé!
Cụ thể như sau:
+ Đối với nước: Nước giúp thanh lọc, làm sạch đường ruột và được coi là “trợ thủ đắc lực” giúp ruột non tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Chúng còn đóng góp đến 80% vào việc bài tiết của đại tràng trong trường hợp bị táo bón. Với từng độ tuổi, lượng nước được khuyên nên bổ sung như sau:

- Trẻ dưới 6 tháng bú sữa mẹ hoàn toàn: Thường không cần uống nước nhưng nếu trẻ bị táo thì hãy cho trẻ uống thêm 100 – 200ml / ngày.
- Trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 – 12 tháng: 200 – 300 ml nước / ngày.
- Trẻ 1 – 3 tuổi: 500 – 600 ml nước / ngày.
- Trẻ 3-5 tuổi: 1000 ml nước / ngày.
- Trẻ lớn 10 tuổi uống bằng người lớn: 1500 – 2000 ml nước / ngày.
**Lưu ý: Nước ở đây bao gồm nước đun sôi để nguội, hoặc nước có trong thức ăn, canh hoặc nước hoa quả,…
+ Đối với thực phẩm giàu chất xơ: Thực phẩm chứa nhiều chất xơ và chất pectin sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủng vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển; ức chế quá trình gây thối; làm tăng khối lượng phân – kích thích lên thành ruột, giúp nhu động ruột hoạt động và gây cảm giác mót đại tiện. Ngoài ra, tất cả các chất độc hại sẽ bị bám vào chất xơ và đào thải ra ngoài nên rất cần thiết cho cơ thể.

Do đó, mẹ hãy tăng cường bổ sung các loại rau củ quả giàu chất xơ và có tính nhuận tràng cao. Khoai lang, rau đay, rau dền, đậu đũa, khoai sọ, đu đủ, chuối tiêu, thanh long,… là những thực phẩm trẻ bị táo bón nên ăn. Mẹ có thể linh hoạt chế biến dưới các dạng khác nhau tùy thuộc thực phẩm và tuổi của trẻ.
➡ Lời khuyên cho mẹ: Không nên tự ý cho bé dùng thuốc nhuận tràng hoặc thụt tháo thường xuyên. Bởi việc này có thể khiến cho ruột của bé trở nên lười nhác, chứng táo bón càng kéo dài và nặng hơn. Nếu táo bón ở trẻ kéo dài trên một tuần mà chế độ ăn uống không có tác dụng hoặc trẻ kèm theo nôn, gầy sút,… thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!