Hiện tượng đi ngoài ra máu ở trẻ không hiếm gặp. Nguyên nhân có thể là bệnh lý hoặc không. Nhiều ông bố bà mẹ hớt hải lo sợ: Liệu trẻ đi ngoài ra máu là dấu hiệu của bệnh gì, nguy hiểm không và xử lý như thế nào cho hợp lý.

Chị Đặng Ngọc Trâm – Hà Nội chia sẻ: “Bé nhà tôi 2 tuổi. Không hiểu vì sao mấy ngày gần đây thấy phân con có màu đỏ như máu, lo lắng quá không biết phải giải quyết thế nào vì đây là con gái đầu lòng nên không có kinh nghiệm. Gọi về quê hỏi ông bà cháu thì bị thúc giục đưa bé đi khám ngay kẻo nguy hiểm. Lo lắng quá nên bảo anh xã đưa bé ra bệnh viện nhi xem sao. Tưởng bệnh gì, ai ngờ là do 2 hôm trước mình cho bé uống viên sắt nên phân có màu đỏ chứ không phải là đi cầu ra máu. Nhẹ dạ …”
Khác với chị Trâm, chị Giang ở Hải Phòng mặc dù đã có 2 con nhưng vẫn lúng túng trong cách xử lý khi thấy bé đi ngoài ra máu. Chị kể: “Bé nhà mình được 4 tuổi rồi. Từ ngày đi mẫu giáo, không biết ăn uống và sinh hoạt ra sao mà việc đại tiện khó khăn hơn. Dễ đến 2-3 ngày mới đi tiêu một lần. Hôm nọ ngày nghỉ, mình mua thêm rau củ quả về cho bé ăn xem có cải thiện không. Hôm sau, quan sát phân bé thấy cũng không tiến triển gì nhiều hơn nữa lại có màu đỏ. Chủ quan nghĩ là bé ăn củ dền nên mới vậy nên không quan tâm gì. Mình cũng đã cố tập cho bé thói quen đại tiện vào buổi sáng nhưng không khả quan, mỗi lần đi vệ sinh y như rằng cực hình hay sao mà cứ mếu máo khóc hoài. Sau để ý chùi mông, mới thấy hậu môn có vết nứt nhỏ rướm máu. Theo kinh nghiệm, mình dùng dầu dừa bôi xem thử nhưng không đỡ. Cuối cùng đành đưa trẻ gặp bác sĩ, kết luận là bé bị nứt kẽ hậu môn do táo bón lâu ngày gây ra”.
Qua đó có thể thấy rằng: Cùng một biểu hiện về sự bất thường về màu sắc phân khi đại tiện song nguyên nhân lại vô cùng đa dạng. Bs Hoàng Ngọc Bích – chuyên khoa Tiêu hóa Bv TW Huế cho biết:
Căn cứ vào màu sắc phân là cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân, song hiện tượng đại tiện ra máu ở trẻ cũng có nhiều biểu hiện như: Phân có màu đỏ tươi, có màu đỏ, màu đen hay nâu đen. Đó có thể là dấu hiệu bệnh lý cần điều trị đúng cách và kịp thời; hoặc sinh lý thì không cần lo lắng.
Đi ngoài ra máu không phải là bệnh
Trong nhiều trường hợp, phân của bé có màu đỏ hoặc đen, cứ mặc định là trẻ đi ngoài ra máu. Song căn nguyên có thể là đồ ăn thức uống bé dùng trước đó như: Siro, dưa hấu, củ dền,… mà hệ tiêu hóa của bé chưa tiêu hóa và xử lý hết khiến phân có màu đỏ. Hoặc cho trẻ ăn socola, uống viên bổ sung sắt, kháng sinh, trẻ bị chảy máu cam nên nuốt phải,… khiến phân bé có màu đỏ hoặc đen.

Do đó, các bậc phụ huynh hãy thật bình tĩnh, quan sát kỹ màu sắc phân, dựa trên chế độ ăn uống hàng ngày và các biểu hiện đi kèm để chẩn đoán nguyên nhân.
Đi ngoài ra máu ở trẻ là do bệnh lý
Đi tiêu ra máu ở cả người lớn và trẻ nhỏ đều do nhiều căn bệnh khác nhau gây nên. Với trẻ nhỏ, triệu chứng phân có máu có thể xuất phát từ 5 bệnh lý thường gặp nhất là:
-
Do nứt kẽ hậu môn:

Chủ yếu xuất phát từ chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ, dư thừa đạm và chất béo nhưng thiếu nước và chất xơ. Cũng có thể do tâm lý của bé: Sợ bẩn, sợ xin phép cô đi ngoài,… Lâu ngày, tình trạng phân khô cứng có thể gây nứt rách, dẫn đến đi ngoài ra máu tươi.
-
Bệnh lồng ruột:
Có thể gặp ở nhiều bé. Phân có máu và nhầy, bên cạnh đó còn thấy: Bé đau bụng từng cơn dữ dội kèm nôn ói. Trường hợp này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời.
-
Bệnh trĩ:
Thường gặp ở những trẻ lớn hơn. Tương tự như ở người lớn, triệu chứng tố cáo bệnh trĩ ở trẻ em cũng là: Đi ngoài ra máu, đau rát sau đại tiện, muộn hơn sẽ thấy có búi trĩ ở hậu môn,…
“Đừng chủ quan” trẻ em cũng có thể mắc bệnh trĩ – việc thăm khám và điều trị nên được tiến hành càng sớm càng tốt.
-
Bệnh sốt thương hàn:
Căn bệnh này thường gây biến chứng xuất huyết tiêu hóa, biểu hiện đặc trưng nhất đó là nôn ói và đi cầu ra máu có màu đen, đỏ tươi hoặc cũng có thể là hơi xám.
-
Do bệnh kiết lị:
Nhận biết bằng triệu chứng trẻ đau bụng nhiều gây cảm giác muốn đi cầu, nhưng bé đi tiêu khó khăn, phải dùng sức rặn để đẩy phân ra ngoài. Bên cạnh đó còn có thể thấy phân có lẫn máu, và chất nhầy.
Bởi vậy trẻ đi ngoài ra máu không nên coi thường. Nếu do những căn nguyên trên cần được điều trị đúng cách và kịp thời. Nếu bé nhà bạn đi tiêu ra máu, có thể tham khảo bài viết: Hướng dẫn cách xử lý khi thấy trẻ đi ngoài ra máu để có cách giải quyết phù hợp cho từng nguyên nhân.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!