Hiện tượng trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị táo bón không phải là hiếm. Đa số các bà mẹ trẻ đều tỏ ra lo lắng không biết con mình còn bé mà tại sao lại bị táo bón và có cần phải điều trị hay không? Chữa như thế nào cho an toàn? …Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp tất cả các thắc mắc này và giúp các mẹ có cách xử lý phù hợp khi con yêu của mình bị bệnh.
Theo bác sĩ Vũ Thị Kim Oanh ( bệnh viện nhi Đồng I – TPHCM), táo bón là tình trạng xảy ra khá phổ biến trong những tháng ngày đầu đời của trẻ. Cha mẹ có thể dễ dàng phát hiện ra con mình bị bệnh nhờ vào việc quan sát hình thái phân, biểu hiện của trẻ mỗi khi đi ngoài cũng như tần suất đi tiêu của bé. Cụ thể trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị táo bón sẽ có biểu hiện đi ngoài dưới 2 lần/ ngày , phân của bé khô đặc khiến trẻ phải rặn đỏ mặt và quấy khóc thường xuyên, đặc biệt là trong những lần đi ngoài.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị táo bón
Tình trạng táo bón xảy ra ở trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi thường là do những nguyên nhân chủ yếu dưới đây:
- Do trẻ bú mẹ không đủ:
Đối với những trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn thì đây chính là nguồn duy nhất cung cấp các chất dinh dưỡng cũng như nước và khoáng chất cho cơ thể bé. Trẻ được cho bú mẹ đầy đủ thường ít khi bị táo bón do sữa mẹ rất dễ tiêu hóa. Tuy nhiên nếu bé không được bú đủ lượng sữa mà cơ thể cần thì tình trạng táo bón vẫn có thể xảy ra ở những trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn – bác sĩ Oanh phân tích.
- Chế độ dinh dưỡng của mẹ không hợp lý:
Một số mẹ vẫn duy trì thói quen ăn nhiều đồ cay, nóng hoặc ăn ít rau trong thời gian ở cữ và cho con bú cũng là nguyên nhân khiến bé mới chào đời đã bị táo bón.
- Do hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh:
Lúc mới ra đời hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non nớt, chức năng tiêu hóa chưa hoàn chỉnh nên dễ bị táo bón hơn cả.
- Thời tiết nóng nực:
Thực tế cho thấy những trẻ sinh ra vào mùa hè hoặc trong những ngày thời tiết nóng nực là bị táo bón nhiều nhất. Lúc này cơ thể trẻ cần được cung cấp nhiều nước hơn cả nhưng sữa mẹ lại không đủ đáp ứng khiến bé gặp khó khăn trong việc đi cầu.
- Trẻ bị dị tật bẩm sinh:
Một số bệnh lý dị tật bẩm sinh như đại tràng phình to, bệnh suy giáp trạng có thể khiến bé bị táo bón ngay từ khi sinh ra.
Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị táo bón có cần chữa trị không?
Khi đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Vũ Thị Kim Oanh cũng cho biết thêm: Hầu hết các trường hợp trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị táo bón đều không đáng lo ngại và tình trạng này có thể chấm dứt sau vài ngày đến vài tuần nếu trẻ được chăm sóc tốt. Tuy nhiên cũng có một số trẻ bị táo bón kéo dài đến vài tháng sau đó và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trẻ bị táo bón lâu ngày thường có cảm giác khó tiêu, chướng bụng đầy hơi nên thường biếng ăn và bỏ bú. Điều này có thể khiến bé bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển về chiều cao, cân nặng lẫn trí tuệ. Ngoài ra, khi chất thải bị tích tụ lại trong đại tràng lâu ngày sẽ khiến các chất độc bị hấp thu ngược trở lại trong máu khiến bé bị ngộ độc thần kinh, nổi mẩn ngứa ngáy khó chịu và khiến các bé hay quấy khóc làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chính vì điều này bác sĩ Oanh khuyến cáo, cha mẹ khi thấy con mình có biểu hiện bị táo bón thì nên theo dõi xem con mình bị táo bón do đâu để có cách khắc phục phù hợp. Dưới đây là một số giải pháp các mẹ nên thực hiện ngay để cải thiện tình trạng táo bón cho con mình:
- Tăng lượng sữa cung cấp cho trẻ bằng cách tăng cữ bú, cho trẻ bú nhiều lần hơn so với trước đây. Đồng thời duy trì cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn ít nhất là trong 6 tháng đầu đời để ngăn chặn nguy cơ mắc các bệnh đường ruột cho bé.
- Trường hợp trẻ đang bú sữa ngoài mẹ có thể xem xét đổi sữa nếu thấy không phù hợp. Loại sữa lựa chọn nên được bổ sung thêm lượng chất xơ hòa tan và probiotic giúp bé tiêu hóa tốt hơn.
- Massage bụng cho bé: Động tác này có tác dụng kích thích nhu động ruột co bóp đẩy phân ra ngoài, nhờ vậy bé sẽ đi cầu dễ dàng hơn. Cách thực hiện rất đơn giản như sau: Mẹ lấy 2 ngón trỏ và ngón giữa đặt lên ngay rốn của bé. Ấn nhẹ tay và xoay tròn theo chiều kim đồng hồ liên tục 200 lần x 3-4 lần/ ngày. Nên thực hiện vào khoảng thời gian giữa các bữa ăn, tránh làm lúc bé mới ăn no dễ gây nôn trớ. Bên cạnh đó các bài tập như đạp xe đạp, co duỗi chân cũng có tác dụng tương tự nên mẹ có thể thực hiện luôn phiên thay đổi giữa các bài tập này.
- Ngoài ra để khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị táo bón thì việc thay đổi chế độ ăn uống của người mẹ cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trong ăn uống mẹ nên chú ý tránh ăn đồ cay nóng. Nên chọn các thực phẩm có tính mát và có tác dụng lợi sữa như khoai lang, rau đay, rau mồng tơi, rau má… đưa vào trong thực đơn. Đặc biệt, bác sĩ Oanh cũng khuyến cáo các mẹ cũng cần chú ý uống thật nhiều nước, tốt nhất là nước ấm để đảm bảo có đủ sữa cho con bú.
Lưu ý, đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi có dấu hiệu bị táo bón, nếu sau khi áp dụng các biện pháp khắc phục trên trong khoảng vài ngày mà không có dấu hiệu khởi sắc, cha mẹ nên đưa bé tới các chuyên khoa nhi khám để được điều trị hiệu quả hơn. Tránh để tình trạng này kéo dài làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ và dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng cho trẻ.
BẠN CÓ THỂ THAM KHẢO THÊM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!