Giải đáp thắc mắc của độc giả Kim Châu- Đà Nẵng: Bé bị táo bón nên uống thuốc gì?
Thưa bác sĩ, con em hiện được 2 tuổi rưỡi, cháu thường xuyên bị táo bón và chậm lên cân nên bây giờ mới được 12kg. Cứ khoảng 3 ngày là cháu mới mắc đi ngoài nhưng không đi được, lúc đấy em phải lấy nước ấm thụt hậu môn cho cháu. Nhưng mà cứ làm cách này hoài em sợ sẽ làm tổn thương hậu môn của con. Xin bác sĩ cho em hỏi ở độ tuổi của cháu thì có thuốc nào uống để trị táo bón không?
TƯ VẤN:
Chào bạn!
Tình trạng táo bón xảy ra rất phổ biến ở trẻ em, nguyên nhân thường xuất phát từ chế độ ăn uống của mẹ nếu táo bón xảy ra ở trẻ còn bú mẹ hoặc do chế độ ăn uống thiếu chất xơ khi bé bước vào độ tuổi ăn dặm. Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi trung Ương, thực tế có khoảng 25% trẻ em bị táo bón ngay trong năm đầu đời. Tình trạng táo bón mãn tính gặp nhiều nhất ở trẻ đang trong giai đoạn tập ngồi bô, tức các bé từ 2-4 tuổi. Tỷ lệ trẻ từ 4-7 tuổi từng bị táo bón chiếm tới 1/3.
Khi tình trạng táo bón xảy ra, phân của trẻ trở nên khô cứng và bé có thể bị đau mỗi khi đi cầu, thậm chí có bé đi cả ra máu. Chính điều này khiến không ít các bậc phụ huynh lo lắng không biết trẻ bị táo bón nên uống thuốc gì cho nhanh khỏi. Nhiều người cho rằng các bé còn nhỏ như vậy không nên dùng thuốc vì bé có thể bị lệ thuộc vào thuốc và bị mất phản xạ đi ngoài tự nhiên. Vậy thực tế thì như thế nào?
Bé bị táo bón nên uống thuốc gì?
Đề cập đến vấn đề này bác sĩ Bùi Thị Kim Hiền- chuyên khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay: “Khi trẻ bị táo bón kéo dài các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng vì vẫn có thuốc điều trị táo bón cho trẻ em. Tuy nhiên cần phải có sự kiên trì vì kết quả thường không đến sớm như mong đợi”
Trong trường hợp tình trạng táo bón của bé kéo dài thường xuyên và hay tái phát, đặc biệt là khi có kèm theo biểu hiện đi ngoài ra máu hoặc đau bụng thì tốt nhất cha mẹ nên nhanh chóng đưa bé đi khám. Nếu cần thiết bác sĩ sẽ cân nhắc kê đơn thuốc chống táo bón để cải thiện khả năng đi ngoài của bé. Loại thuốc được sử dụng để trị táo bón cho trẻ em thường là thuốc nhuận tràng có tác dụng làm mềm phân, giảm đau hậu môn và phục hồi thói quen sinh lý đi cầu đều đặn mỗi ngày.
Các loại thuốc chống táo bón dành cho trẻ thường được bác sĩ kê đơn bao gồm:
- Thuốc nhuận tràng cơ học ( tạo khối phân)
Loại thuốc này giúp bổ sung chất xơ tự nhiên được chiết xuất từ vỏ, hạt hay rau củ quả. Khi sử dụng chất xơ sẽ hút nước vào bên trong lòng ruột khiến cho phân trở nên mềm và tạo thành khối lớn hơn. Đồng thời thuốc còn có tác dụng kích thích nhu động ruột co bóp để đẩy khối phân ra ngoài.
Một số loại thuốc nằm trong nhóm này thường được bác sĩ chỉ định là Methylcellulose, Gomme sterculia, Agar-agar, Hemicellulose… Chúng được đánh giá là khá an toàn, dùng được cho mọi đối tượng bao gồm cả trẻ em và phụ nữ mang thai. Thuốc có tác dụng sau 1-3 ngày sử dụng.
- Thuốc làm mềm phân
Loại thuốc này giúp hút nước vào phân. Nhờ đó phân trở nên mềm và dễ bị tống ra ngoài mà trẻ không phải rặn nhiều. Nhóm thuốc này có thể được điều chế dưới dạng lỏng bơm hậu môn hoặc thuốc uống. Trong đó Docusate (Nogarlax) là loại thuốc uống thường được chỉ định cho trẻ bị táo bón.
- Trị táo bón cho trẻ bằng thuốc nhuận tràng thẩm thấu:
Nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu có khả năng ngăn chặn sự hấp thu nước ở thành ruột, từ đó tăng lượng nước bên trong lòng ruột. Như vậy thuốc không chỉ giúp làm mềm phân mà còn có tác dụng bôi trơn đường ruột để phân được đào thải ra ngoài một cách dễ dàng.
Nằm trong nhóm này bao gồm các loại thuốc như Lactulose (Duphalac), Sorbitol, Microlax…
- Thuốc nhuận tràng kích thích
Thuốc được sử dụng nhằm mục đích kích thích hoạt động của cơ co bóp đại tràng, làm tăng nhu động ruột để đẩy phân ra ngoài. Khoảng 8-12 giờ sau khi sử dụng thuốc sẽ phát huy tác dụng. Thông thường chỉ sau khi bé dùng các loại thuốc trên không đạt hiệu quả thì loại thuốc này mới được chỉ định thay thế.
“Để đạt được hiệu quả tốt nhất thì các thuốc trên phải được sử dụng trong thời gian từ 3-6 tháng. Cha mẹ cần tuân thủ đúng liều lượng dùng thuốc và hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng phụ thuộc vào thuốc cũng như các tác dụng phụ không mong muốn xảy ra do sử dụng thuốc không đúng cách.”- Bác sĩ Bùi Thị Kim Hiền đặc biệt nhấn mạnh.
Một số lưu ý khi dùng thuốc chống táo bón cho trẻ
- Cha mẹ nên cho bé uống thuốc vào cùng một thời điểm ở tất cả các ngày
- Có thể uống thuốc với nước lọc, nước hoa quả hay sữa đều được
- Cùng với việc sử dụng thuốc nên cho bé uống nhiều nước, tăng cường rau xanh và trái cây trong các bữa ăn để bổ sung chất xơ cho bé. Khuyến khích bé vận động nhiều hơn thay vì dành nhiều thời gian để xem tivi, chơi Ipad
- Các thuốc nhuận tràng có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, choáng váng, mất nước… Vì vậy trong quá trình sử dụng thuốc nếu thấy trẻ có bất kì biểu hiện nào bất thường như trên thì cha mẹ nên đưa bé quay trở lại bệnh viện để đực bác sĩ đổi loại thuốc khác an toàn hơn cho bé.
MẸ CẦN BIẾT
Thưa bác sĩ!
Bé nhà con được 7 tháng tuổi, bé hay thường xuyên bị táo bón. Con có mua thuốc cho uống, khi bé uống thì đi ngoài đểu đặn mỗi ngày 1 lần hoặc 2 lần/ ngày. Nhưng hôm nào quên cho bé uống thuốc thì bé lại bị táo bón, đi ngoài phân của bé có màu xám. Như vậy bé bị gì ạ?
Mong bác sĩ giải đáp. Con xim cảm ơn bác sĩ!
mấy loại thuốc tây chữa táo bón nguy hiểm lắm, không nên dùng. Chị tôi làm dược sĩ nói dùng thuốc nhuận tràng lâu ngày là sẽ bị mất cảm giác buồn đại tiện luôn đó.